Bên cạnh những dự án lớn của Vingroup và của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, nhiều tập đoàn bất động sản khác như Sun Group, FLC, NovaGroup, Thaco cũng vừa ngỏ ý mong muốn đầu tư các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp quy mô lớn tại Quảng Nam.
Bên cạnh những dự án lớn của Vingroup và của Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, nhiều tập đoàn bất động sản khác như Sun Group, FLC, NovaGroup, Thaco cũng vừa ngỏ ý mong muốn đầu tư các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp quy mô lớn tại Quảng Nam.
Giải mã nguyên nhân
Có nhiều lý do giải thích cho việc hàng loạt tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam mong muốn đầu tư các dự án bất động sản quy mô lớn tại Quảng Nam.
Phát triển hạ tầng đồng bộ và đô thị là nhiệm vụ đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Nam
Đầu tiên, Quảng Nam nằm bên cạnh thành phố Đà Nẵng, nơi có sân bay và cảng biển. Đồng thời, nơi đây còn sở hữu hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và Khu thánh điạ Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Tiếp đến, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển khá toàn diện trong thời gian qua. Một số công trình trọng điểm hoàn thành đã có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tạo ra diện mạo mới cho địa phương.
Nhiều công trình giao thông quan trọng, có tính chất liên vùng được hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả như đường Võ Chí Công nối từ cầu Cửa Đại đến sân bay Chu Lai; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; cầu Đế Võng; cầu Giao Thủy; cầu Cẩm Kim, cầu Bình Đào.
Quảng Nam hiện có bảy khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích đất sử dụng 1.100 ha. Ngoài ra, quy hoạch 92 cụm công nghiệp với diện tích hơn 2.280 ha.
Đặc biệt, cảng hàng không Chu Lai đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách/năm. Dự kiến trong thời gian tới, Chu Lai sẽ được phát triển thành cảng hàng không quốc tế với quy mô, cấp sân bay 4E, công suất thiết kế phục vụ hành khách từ 5-10 triệu hành khách/năm.
Đồng thời đến năm 2050, Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ (thay thế cảng hàng không Đà Nẵng) với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế phục vụ hành khách là 40 triệu hành khách/năm.
Địa phương này xác định xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị chính là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược của tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng thành phố Tam Kỳ trở thành đô thị loại I.
Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển các khu du lịch tập trung ven biển theo hình thức khu du lịch, dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp với các sản phẩm đặc thù để hình thành chuỗi du lịch, dịch vụ cao cấp ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành dọc theo sông Trường Giang và tuyến đường ven biển Võ Chí Công.
Cụ thể, Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành được các khu du lịch lớn, có sản phẩm dịch vụ mang tính cạnh tranh cao tại các khu vực vùng Đông Nam Thăng Bình; vùng Đông Tam Kỳ; vùng ven biển huyện Núi Thành.
Chưa hết, Quảng Nam cũng sẽ tập trung phát triển khu phức hợp ô tô Chu Lai – Trường Hải, tiến đến hình thành Trung tâm cơ khí đa dạng và ô tô quốc gia.
Tín hiệu tích cực
Đón đầu xu hướng đầu tư, nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại Quảng Nam như khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động trong năm 2020.
Khu nghỉ dưỡng triệu đô tại vùng Đông Quảng Nam
Bên cạnh đó, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2018.
Tín hiệu tích cực từ các dự án lớn đã và đang đầu tư tại Quảng Nam đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến tiềm năng phát triển của địa phương này.
Mới đây Tập đoàn Sun Group đã đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ thành phố Tam Kỳ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ).
Đây là dự án có quy mô lớn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, tạo điểm nhấn cho đô thị và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố Tam Kỳ.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang nghiên cứu đầu tư, lập quy hoạch dự án khu đô thị ven sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án dự án khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An.
Trong khi đó, Tập đoàn FPT cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu đô thị công nghệ FPT quy mô khoảng 300 ha tại thành phố Tam Kỳ. Chưa hết, Tập đoàn Thaco cũng đang nghiên cứu đầu tư khu đô thị Chu Lai (329 ha) và khu đô thị Tam Hòa – Tam Tiến.
Sức hút của bất động sản Quảng Nam nói chung và vùng Đông địa phương này nói riêng càng được chứng minh rõ nét khi mới đây Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần NovaGroup, Công ty TNHH MTV Panko E&D cũng đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam về việc đề xuất đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo Cafeland