Nếu như tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên giáp – Trường Sa kéo dài trên địa bàn hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà được xem là “tuyến đường 5 sao” (tập trung các resort tiêu chuẩn 5 sao) thì khu vực giáp biển của phường Phước Mỹ (Q.Sơn Trà), các tuyến đường hai bờ sông Hàn… đang được gọi là “phố” khách sạn.
Nếu như tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên giáp – Trường Sa kéo dài trên địa bàn hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà được xem là “tuyến đường 5 sao” (tập trung các resort tiêu chuẩn 5 sao) thì khu vực giáp biển của phường Phước Mỹ (Q.Sơn Trà), các tuyến đường hai bờ sông Hàn… đang được gọi là “phố” khách sạn.
Có tiền cũng không mua được đất
Nằm gọn giữa bốn tuyến đường chính là Phạm Văn Đồng – Hoàng Sa – Võ Văn Kiệt – Ngô Quyền, phố khách sạn là nơi có hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn mini từ 1-3 sao mọc lên san sát như nấm. Hầu hết, các khách sạn này đều có diện tích khiêm tốn, được thiết kế đơn giản.
Ông Huỳnh Văn Trân (đường An Cư 1, Phước Mỹ) cho biết: “Trước đây, khu vực này chỉ là những bãi lau sậy, nơi tập kết vật liệu để xây dựng các công trình lớn của thành phố. Nhưng 5 năm trở lại đây, khi hoạt động du lịch Đà Nẵng phát triển, cùng với những khách sạn tiêu chuẩn 5 sao sát biển thì hàng loạt công trình nhà nghỉ, khách sạn mọc lên. Cùng với đó là những dịch vụ ăn theo như: ăn uống, quán bar… cũng phát triển”.
Cũng theo ông Trân, ngoài một số nhà đầu tư ít vốn, phải xây khách sạn nhỏ thì nhiều hộ dân thấy loại hình này phát triển cũng “bám” theo. Các hộ kinh doanh này sửa sang lại nhà cửa, xây cất thêm phòng ốc rồi tự gắn biển hiệu hoặc 1-2 sao cho khách sạn.
Song song đó, dọc theo con phố đường Hà Bổng (phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà), ngay sau khách sạn A La Carte (tiêu chuẩn 5 sao) dài chưa đến 500m nhưng có đến 35-40 khách sạn lớn, nhỏ các loại. Con đường rộng 7,5m nhưng ô tô đậu chật kín vỉa hè và lan xuống cả lòng đường.
Theo phản ánh của người dân địa phương, tuyến đường này thường xuyên quá tải bởi các dòng xe khách du lịch đổ về. “Cứ tầm khoảng 17-18h chiều hàng ngày là xe cộ đường này kẹt cứng. Khách từ các tour du lịch ào ào đổ khách về đây. Giá khách sạn ở đây chỉ bằng 1/3, thậm chí ¼ khách sạn cùng sao dọc tuyến đường Hoàng Sa. Mà quãng đường từ khách sạn ra biển cũng rất ngắn, đi bộ 2 phút là ra biển” bà Nguyễn Thị Ngọc (người dân Phước Mỹ) cho hay.
Cách đó không xa là tuyến đường Hà Đặc – Dương Đình Nghệ cũng mọc lên san sát hàng chục khách sạn mini 1-2 sao. Thậm chí có nhiều ngôi nhà được cải tạo sơ sài cũng dựng biển hotel để đón khách.
Theo tìm hiểu, trước đây, khu vực này được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ công tác giải tỏa. Nhưng khi dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng đi vào hoạt động thì các nhà đầu tư đổ về thu gom mua đất. Giá đất khu vực này được đẩy lên mức cao ngất ngưởng đến 45-50 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư gom 2-3 lô đất rồi xây dựng khách sạn mini. Cũng theo bà Ngọc, khu “phố” khách sạn còn kéo dài qua nhiều tuyến đường khác như: Sương Nguyệt Ánh – Lý Văn Tố – Bùi Hữu Nghĩa – Phạm Tu…
Khảo sát tại một số tuyến đường trên, được biết giá đất đang tăng nhanh chóng, nhiều hộ dân có nhà nằm dọc tuyến đường Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng… liên tục bị nhà đầu tư “quấy rầy”. Một cán bộ tín dụng của ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Đà Nẵng cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, hầu như ngày nào cũng phải đi cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả cá nhân để thẩm định đất trước khi cho vay. Trên thị trường địa ốc Đà Nẵng, ngoài số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân từ các tỉnh phía Bắc “thâu tóm” loại hình căn hộ khách sạn (condotel) để cho thuê, thì các công ty vừa và nhỏ lại săn các khu đất có diện tích từ 60-200m2 để đầu tư khách sạn mini.
“Ngay như khu đất chỉ vỏn vẹn 60m2 nằm sâu trong một con hẻm trên đường Phạm Văn Đồng, mới cách đây không lâu nhà đầu tư ra giá 45 triệu đồng/m2, nay quay trở lại chủ nhà báo là đã có người đặc cọc mua với giá 55 triệu đồng/m2. Những khu đất nằm gần biển hoặc sông Hàn khoảng 2-4km ở Đà Nẵng hiện này đụng đến là có giá cao, nhiều nơi giá đất cao ngất ngưởng không thua gì khu Đông của TP.HCM”, vị này cho biết.
“Vỡ” quy hoạch?
Theo phản ánh của người dân địa phương, hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực này vốn chỉ dành cho người dân tái định cư. Tuy nhiên, suốt mấy năm nay luôn bị quá tải và xuống cấp vì hệ thống khách sạn dày đặc. Nguồn điện, nước vốn chỉ đủ sức cung cấp cho khu dân cư nay phải “ghánh” thêm các khách sạn cao 7-8 tầng.
Ngoài ra, từ ngày “phố” khách sạn đi vào hoạt động tấp nập thì người dân nơi đây cũng phải chịu cảnh tra tấn bởi tiếng ồn, kẹt xe. Khách sạn mọc lên nhiều, các dịch vụ ăn nhậu, karaoke cũng đua nhau phát triển theo. Hệ lụy của nó là cuộc sống của người dân bị đảo lộn. “Nhiều đêm, khách ăn chơi, hát hò đến tận 2-3 giờ sáng khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng” ông Hoàng Trọng Thinh (đường An Cư, Phước Mỹ) cho biết.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cảnh báo tình trạng xây dựng ồ ạt khách sạn 1-3 sao đang hình thành nên những “phố” khách sạn, gây ra những hệ lụy cho du lịch thành phố.
Cụ thể, chất lượng của các khách sạn này không đảm bảo, nhân viên phục vụ, quản lý chưa chuyên nghiệp, chưa có chính sách cam kết rõ ràng với khách hàng. “Việc các nhà đầu tư không khảo sát kỹ lưỡng thị trường mà xây dựng ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Trong thời điểm du lịch gặp khó thì các khách sạn này đua nhau giảm giá, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hiện Sở đã tham mưu cho UBND TP.Đà Nẵng phương án quy hoạch khu vực nào cho xây dựng khách sạn, khu vực nào hạn chế” ông Cường nói.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà cho hay, việc phát triển quá nóng các khách sạn mini đang làm vỡ quy hoạch trên địa bàn. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng cần sớm công bố quy hoạch tổng thể các khu vực được phép xây dựng khách sạn nhằm chấn chỉnh tình trạng trên. “Quận cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng khách sạn trái phép. Không để khách sạn, nhà nghỉ ‘chui’ hoạt động” bà Tâm nói.
Tính đến giữa năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng xấp xỉ trên 535 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, với 20.166 phòng. Trong đó, có 35 khách sạn khối 4-5 sao và tương đương với 6.084 phòng; khối 3 sao có 65 khách sạn với 4.394 phòng; khối 1-2 sao và tương đương có 425 khách sạn với 9.411 phòng. Ngoài ra, căn hộ, biệt thự du lịch cao cấp và đạt chuẩn, nhà nghỉ dưỡng là 10 đơn vị với 277 phòng.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ